Các yếu tố giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

21/04/2023

 “Bật mí” các yếu tố giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái luôn là mối quan hệ đặc biệt nhất, linh thiêng nhất. Nhưng vì một vài lý do mà mối quan hệ đó luôn xảy ra mâu thuẫn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cha mẹ và con cái hay bất đồng quan điểm? Liệu có cách giải quyết nào cho vấn đề này?

Thực trạng khoảng cách mối quan hệ cha mẹ và con cái ngày nay

Đối với các gia đình châu Á, phần lớn họ đều có khoảng cách trong mối quan hệ với cha mẹ hoặc con cái của mình. Nguyên nhân chính dẫn đến việc này bắt nguồn từ tâm lý cá nhân của hai bên. Nếu như phụ huynh cho rằng mình có quyền quyết định cuộc sống của con, thì con cái luôn muốn được tôn trọng. Chưa kể, cha mẹ và con cái ít giao tiếp vì lối sống bận rộn cũng là một nguyên do. Dẫn đến kết quả là cha mẹ và con cái không có tiếng nói chung, tạo ra khoảng cách vô hình. Dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung có 4 nguyên nhân điển hình.

Alt: Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái của gia đình châu Á thường không tốt

4 nguyên nhân cơ bản khiến cha mẹ và con cái hay mâu thuẫn với nhau

Khoảng cách giữa các thế hệ

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến chính là khoảng cách giữa các thế hệ, điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy ở nhiều khía cạnh cuộc sống. Mỗi thế hệ phụ huynh đều có một quy chuẩn riêng về lối sống, tính cách, cái đẹp,… Và họ đã trưởng thành cùng với các nguyên tắc đó. Vậy nên cần rất nhiều thời gian để họ có thể thay đổi được cách nhìn nhận của mình. Trong khi đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các bạn trẻ luôn trong trạng thái sẵn sàng thay đổi để bắt kịp thời đại. Chính vì thế tư duy của họ không ngừng được đổi mới để có thể tồn tại. Vậy nên, cách suy nghĩ giữa con cái và cha mẹ thường có sự mâu thuẫn.

Mặc dù vấn đề này có xu hướng giảm nhẹ do hầu hết ngày nay ai cũng sử dụng mạng xã hội, tuy nhiên vẫn có những tiêu chuẩn không thể thay đổi được ở bậc sinh thành. Vì thế, con cái cũng cần tôn trọng những nếp sống mà cha mẹ đưa ra. Còn các bậc phụ huynh cũng nên vui vẻ đón nhận lối suy nghĩ mới mẻ của con mình. Miễn là điều đó không vi phạm đạo đức và quy chuẩn của xã hội.

Alt: Khác biệt về lối suy nghĩ giữa cha mẹ và con trễ dễ dẫn đến xung đột

Cái tôi cá nhân của bậc phụ huynh quá cao

Dù ai cũng có cái tôi lớn, nhưng lạ thay chúng ta thường có xu hướng ương ngạnh hơn với gia đình thay vì người ngoài. Vì vậy khi tức giận, cha mẹ và con cái thường nói ra những điều tổn thương nhau. Tuy nhiên, nếu như người con dễ nói ra lời xin lỗi, thì cha mẹ lại không làm được điều đó. Bởi họ suy nghĩ rằng hành động xin lỗi con cái sẽ làm mất đi uy quyền của bản thân. Dẫn đến việc tình cảm mà con trẻ dành cho cha mẹ không còn sâu đậm như trước, nên mâu thuẫn cũng xuất hiện nhiều hơn. Thế nên, các bậc phụ huynh hãy luyện tập nói “Cảm ơn” và “Xin lỗi” con của mình nhiều hơn nhé. Vì sự chữa lành mà chúng mang đến cho con trẻ lại rất nhiều.

Alt: Các bậc phụ huynh thường có cái tôi quá cao nên vô tình tổn thương đến con cái

Thiếu sự giao tiếp thường ngày

Cha mẹ và con cái không thường xuyên giao tiếp là một trong những vấn đề rất khó cải thiện. Bởi điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như là cách tiếp cận của cha mẹ không đúng, hoặc tâm sinh lý của con trẻ trong thời kỳ trưởng thành thường khó hiểu,… Dần dần mối quan hệ hai bên ngày một trở nên gay gắt hơn. Nên việc giao tiếp thường xuyên trở nên khó khăn hơn.

Dù vậy, khi tâm sinh lý của con được ổn định hơn thì tình trạng này có thể được cải thiện. Tuy nhiên, nếu cha mẹ và con cái đều có quá nhiều khác biệt trong suy nghĩ, tính cách và tư tưởng thì rất khó để có thể giao tiếp nhiều với nhau.

Alt: Không có sự giao tiếp thường xuyên là nguyên nhân mấu chốt 

Cha mẹ không tôn trọng sự riêng tư của con

Kiểm soát con cái quá mức là thực trạng của đông đảo phụ huynh châu Á hiện nay. Điều này đã tác động tiêu cực đến tâm lý và tính cách của con trẻ. Mặc dù mục đích của việc làm ấy là để con có cuộc sống tốt nhất, nhưng cách làm của bậc phụ huynh lại không hề đúng đắn. Kết quả là con cái trở nên gay gắt hơn với cha mẹ của chúng. Bởi con trẻ luôn có tâm lý mong cha mẹ có thể thấu hiểu và ủng hộ. Trong khi cha mẹ lại muốn con cái chấp thuận theo ý kiến của mình. Kết quả là tạo cảm giác “giam cầm”, không được tôn trọng nên con càng cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi sự bao bọc của cha mẹ.

Alt: Phụ huynh nên đề cao sự riêng tư của con em mình

Làm thế nào để cải thiện những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái?

Để giải quyết những mâu thuẫn này, cha mẹ và con cái cần phải nhường nhịn, thấu hiểu lẫn nhau. Đặc biệt là các bậc phụ huynh, bởi trải nghiệm của con trẻ đôi khi chưa nhiều nên sẽ không biết cách xử lý. Vậy đâu là cách giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con trẻ?

Dành thời gian trò chuyện và chia sẻ cùng con

Như chúng tôi đã đề cập, thiếu sự giao tiếp chính là mấu chốt của mọi vấn đề. Vậy nên, cha mẹ hãy tạo điều kiện để có thời gian bên cạnh con nhiều nhất. Đặc biệt là khi con đang trong độ tuổi trưởng thành, tâm sinh lý không được ổn định. Nếu như xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ hãy giữ bình tĩnh và chủ động giảng hòa với con. Điều đó không chỉ khiến cơn tức giận trong con dịu đi, mà cũng làm con nhận ra lỗi sai của mình. Đồng thời, cha mẹ cũng trở thành tấm gương để con noi theo.

Và để thời gian bên con được tốt hơn, cha mẹ có thể từ từ tìm hiểu về đời sống của con. Trường lớp, bạn bè, sở thích,… hay thậm chí chuyện tình cảm của con sẽ là những chủ đề giúp phụ huynh hiểu hơn về con trẻ. Đừng quá nóng vội mà hãy tiếp cận con từ tốn, vì con trẻ cũng cần thời gian để mở lòng hơn.

 

Alt: Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian để tìm hiểu hơn về con

Nghiêm khắc vừa đủ

Chúng tôi hiểu rằng bậc phụ huynh nào cũng muốn dành điều tốt nhất cho con mình, vô hình trung khiến họ luôn nghiêm khắc với con trẻ. Đôi khi sự nghiêm khắc đó biến thành những lời nói và hành động tổn thương đến con. Vậy nên cha mẹ cũng cần nới lỏng, thoải mái với con đúng lúc và đúng chỗ. Thay vì kiểm soát con quá mức, khiến con cảm thấy ngột ngạt. Để làm được điều đó, các bậc làm cha làm mẹ nên giải thích vì sao mình lại nghiêm khắc với con. Đồng thời nói rõ những chuyện cha mẹ sẽ nghiêm khắc hoặc thoải mái với con, mục đích để con hiểu được và không vượt quá giới hạn của mình.

Alt: Giáo dục con cái với mức độ nghiêm khắc vừa phải sẽ không tạo ra mâu thuẫn với con

Tôn trọng cá tính và sự riêng tư của con

Có thể nói, giới trẻ ngày nay không ngại thể hiện tính cách của mình qua nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Đó là điều tốt trong thời đại ngày nay. Dù vậy, đối với các bậc phụ huynh, thể hiện tính cách quá nhiều dường như trở thành việc khó chấp nhận. Bởi họ đã lớn lên trong môi trường có phần truyền thống và nghiêm khắc. Dù vậy, mâu thuẫn này có thể được giải quyết nếu cha mẹ và con trẻ cùng dành thời gian để giải thích những quan điểm của mình. Từ đó đôi bên có thể thấu hiểu và cảm thông cho nhau tốt hơn.

 

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tôn trọng sự riêng tư của con. Như vậy con trẻ sẽ không cảm thấy ngột ngạt hay không có sự tự do, thoải mái trong chính gia đình mình. Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể áp dụng với con trẻ:

  • Luôn gõ cửa trước khi vào phòng con
  • Hỏi ý kiến của con trước khi mở vật dụng cá nhân như điện thoại, máy tính, Ipad,…
  • Tôn trọng tính cách của con
  • Luôn hỏi ý kiến của con trước khi đưa ra quyết định
  • Đặt ra các quy tắc chung trong gia đình dựa trên sự thống nhất của mọi thành viên trong gia đình.

Alt: Cha mẹ nên nhớ con cái cũng cần có không gian riêng tư của mình

Tìm đến chuyên gia nếu vấn đề trở nên quá phức tạp

Tưởng chừng như là một vấn đề đơn giản, nhưng đối với một vài gia đình thì không. Có thể sự mâu thuẫn đã trở nên quá sâu đậm. Dẫn đến việc họ không thể tự giải quyết được với nhau. Những lúc như vậy, chúng tôi khuyến khích các gia đình nên tìm đến các chuyên gia trong lĩnh vực để được tư vấn.

Tổng kết

Chúng tôi tin rằng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là điều linh thiêng nhất đối với mỗi người. Vậy nên sẽ thật đáng tiếc nếu như những mâu thuẫn trên khiến tình cảm gia đình rạn nứt. THPT Việt Âu hy vọng bài viết này sẽ cung cấp tổng quan những thông tin giúp ích các gia đình đang rơi vào tình cảnh tương tự.

Ngoài ra, bạn đọc có thể tìm các bài viết khác của chúng tôi:

→ Phụ huynh nên làm gì khi con trẻ thay đổi môi trường học tập?

→ Cha mẹ nên làm gì để có thể giảm bớt áp lực trong học tập của con cái?